Quy trình sản xuất điện bằng than
Trong các nhà máy sử dụng than cám là loại than chính, thì than, sau khi nghiền nhỏ thành hạt có kích thước trung bình khoảng 50 µm bằng máy nghiền than, được phun từ các vòi đốt cùng với không khí vào bên trong lò và đốt cháy. Hơi nước sinh ra trong lò hơi sẽ làm quay tuabin và sinh ra điện.
Trong nhà máy nhiệt điện, có thể nâng cao hiệu suất phát điện bằng cách tăng nhiệt độ và áp suất của hơi nước. Nhật Bản thực hiện việc phát điện ở điểm tới hạn và vùng siêu tới hạn, tức là vùng có nhiệt độ và áp suất của hơi nước lớn hơn điểm tới hạn (là điểm mà dưới đó, luôn tồn tại đồng thời hai pha khí và lỏng).
Kiểm soát ô nhiễm không khí từ nhà máy nhiệt điện than
Quá trình đốt cháy than sẽ sinh ra bụi, SOx và NOx nên cần phải lắp đặt thiết bị xử lý bụi, SOx và NOx trong khí thải. Hệ thống xử lý khí thải của nhà máy nhiệt điện đốt than điển hình được thể hiện trên hình. Khí thải trước tiên được loại bỏ NOx, tiếp đó được xử lý bụi và cuối cùng được loại bỏ SOx. Phương pháp khử bằng amomiac thường được sử dụng để xử lý NOx trong khí thải, phương pháp lắng tĩnh điện thường được sử dụng để xử lý bụi và phương pháp hấp thụ bằng sữa vôi thường được sử dụng để xử lý SOx trong khí thải.
Hơn 90% NOx sinh ra trong lò hơi đốt than cám là NOx nhiệt, tỉ lệ NOx nhiên liệu rất ít. Vì vậy, người ta phát triển công nghệ vòi đốt phát thải NOx thấp (low NOx burner) để giảm thiểu NOx sinh ra trong quá trình đốt than cám. Ngoài ra, cũng có thể làm giảm phát thải NOx bằng cách thực hiện quá trình cháy 2 giai đoạn. Phương pháp cháy 2 giai đoạn có đặc điểm là không ổn định nên cần lưu ý tình trạng dễ phát sinh bụi và khí CO.
Phương pháp tiết kiệm năng lượng (để giảm phát thải CO2)
Phần này trình bày khái quát về phương pháp tiết kiệm năng lượng (giảm lượng nhiên liệu sử dụng) gắn liền với kiểm soát phát thải chất thải ô nhiễm không khí.
Phương pháp tiết kiệm năng lượng trong nhà máy nhiệt điện đốt than được áp dụng trong các công đoạn chính là lò hơi, tuabin, phát điện, các thiết bị hỗ trợ và hệ thống đường ống. Thông thường, đối với từng công đoạn, đã có những biện pháp cụ thể về tiết kiệm năng lượng nên cán bộ phụ trách về công nghệ của nhà máy nhiệt điện cần đưa ra chương trình hành động nhằm phát huy một cách tổng thể hiệu quả của các công đoạn, từ đó nâng cao khả năng tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất hàng ngày của nhà máy.